Học sinh lớp 7 bị bạn đánh hội đồng gia đình xác định con tâm thần vĩnh viễn

Học sinh lớp 7 bị bạn đánh hội đồng gia đình xác định con tâm thần vĩnh viễn

– Vụ việc bạo lực học đường cách đây 2 tháng. Em V.V.T.K., học sinh lớp 7 Trường THCS Đại Đồng, Thạch Thất, Hà Nội, hiện vẫn chưa thể đi học trở lại sau hai tháng phát bệnh tâm thần vì bị bạn đánh hội đồng.

 

 

Gia đình xác định con bị tâm thần vĩnh viễn

Chiều 23/11, chị Kiều Thị Mai, mẹ học sinh V.V.T.K., cho biết con trai vẫn chưa lấy lại nhận thức bình thường.

Vào tuần trước, cháu K. gọi khách là “thằng”, “côn đồ”. Chị Mai cho biết cháu gọi tất cả là “côn đồ”, không biết tên mình là gì, không biết bố mẹ là ai.

Bố và chị gái thường xuyên phải để mắt tới cháu K. vì cháu liên tục la hét, đòi bỏ đi khỏi nhà.

 

Em V.V.T.K., học sinh lớp 7 Trường THCS Đại Đồng, Thạch Thất, Hà Nội bị đánh hội đồng (Ảnh cắt từ clip)

 

“Hiếm lắm có lúc cháu nhận ra bố mẹ, nhưng chỉ được vài chục giây hoặc một phút, sau đó cháu lại mất trí. Tôi đã xác định con mình bị tâm thần vĩnh viễn, không thể khỏi bệnh được nữa”, chị Mai chia sẻ.

Trước đó, các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai chẩn đoán cháu K. bị sang chấn tâm lý, rối loạn phân ly (một dạng rối loạn tâm thần).

 

Chị Mai vẫn đưa con đi tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ, đồng thời đưa con đi trị liệu tâm lý 2 buổi/tuần với chuyên gia mà UBND huyện Thạch Thất mời về điều trị cho cháu K.. Khóa điều trị này kéo dài 12-16 buổi.

Chị Mai lo lắng sau khi hết 16 buổi nói trên, chị phải chi trả khoản tiền bạc khổng lồ để điều trị cho con.

 

Gia đình xác đinh cháu bị tâm thần vĩnh viễn

 

“Gia đình những đứa trẻ đánh con tôi vừa rồi đến nhà tôi đòi tôi phải đưa hết giấy tờ khám chữa ra, tuyên bố chỉ trả đúng số tiền ghi trên giấy khám. Tôi không có hiểu biết, không biết nên làm gì.

Nhưng con tôi mới 12, 13 tuổi, từ một đứa trẻ nhanh nhẹn, hoạt bát giờ thành khuyết tật. Ai trả đứa con bình thường lại cho tôi? Những người đã làm cho cháu trở nên như thế này thì không phải chịu bất kỳ tội gì”, chị Mai khóc nói.

 

Như đã đưa tin trước đó, một đoạn clip lan truyền trên mạng xã hội ghi lại cảnh một học sinh bị đánh hội đồng bởi một nhóm học sinh khác. Nhóm này gồm 5-6 người dồn nam sinh vào góc tường, liên tục đấm đá thô bạo vào mặt, đầu, bụng của bạn.

Sự việc bạo lực học đường này được xác định xảy ra tại Trường THCS Đại Đồng, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Nhóm học sinh đều đang học lớp 7. Nạn nhân là em V.V.T.K..

Do sợ hãi, cháu K. không báo với thầy cô và gia đình biết. Tới ngày 16/9, nhà trường và gia đình mới biết sự việc. Theo tìm hiểu của gia đình và nhà trường, K. đã bị đánh nhiều lần liên tục, không xác định được ngày quay clip bạo lực nói trên một cách chính xác.

 

Ngày 20/9, Hiệu trưởng triệu tập hội đồng kỷ luật nhà trường, các học sinh đánh bạn cùng gia đình nhận lỗi.

Ngày 21/9, cháu K. có biểu hiện sang chấn tâm lý. Gia đình đã đưa cháu đến Bệnh viện đa khoa Phúc Thọ thăm khám, được bệnh viện cho về điều trị tại nhà.

Ngày 25/9, K. đến trường học trở lại. Trong ngày, cháu tiếp tục bị một bạn trong nhóm bạo hành dọa đánh nên tối đó cháu có biểu hiện lo sợ. Gia đình đưa cháu đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám. Kết quả chẩn đoán cháu K. bị rối loạn phân ly (một dạng rối loạn tâm thần).

 

Ngay sau vụ việc cháu V.V.T.K. ở Trường THCS Đại Đồng, một vụ việc bạo lực học đường nghiêm trọng khác xảy ra tại Trường THCS Tân Minh, Thường Tín, Hà Nội.

Nạn nhân là cháu H. – học sinh lớp 6 – bị các bạn đánh tập thể ngay tại hành lang lớp học. Ngoài 4 học sinh tham gia đánh trực tiếp, một nhóm hơn 10 học sinh khác cả nam lẫn nữ đều học lớp 6 đứng quây lại để quay clip, đồng thời bình phẩm, cười cợt, chế giễu bạn bị đánh bằng những lời thô tục.

Cháu H. cho biết đây không phải lần đầu bị đánh. Cháu đã bị bạn học U. đánh hai lần trước đó, một lần bị đánh chảy máu mũi ngay tại lớp học. U. còn dọa đánh những ai dám chơi với cháu H.

 

 

Nhà trường, chính quyền xử lý bạo lực học đường còn hình thức và hành chính?

Tiến sĩ (TS) Phạm Thị Thúy – chuyên gia xã hội học và tâm lý học – nhận định: “Các vụ bạo lực học đường đang bị xử lý mang tính hình thức và hành chính hóa nhiều quá, không thực sự đi vào giải quyết nguyên nhân sâu xa của vụ việc. Đây là nguyên do khiến bạo lực học đường tái đi tái lại, vụ sau nghiêm trọng hơn vụ trước”.

Ngoài hai vụ việc tại Hà Nội, TS Phạm Thị Thúy dẫn chứng thêm câu chuyện mới xảy ra tại Nha Trang. Theo đó, em T.M. bị “kết tội” đã ném bóng vào mặt em Q.A. trong giờ thể dục. Cách xử lý của giáo viên không thuyết phục khiến mâu thuẫn giữa hai học sinh không được giải quyết. T.M. cảm thấy oan ức đã viết thư tuyệt mệnh và tự tử.

 

“Chúng ta cần tìm hiểu kĩ vì sao các con có hành vi bạo lực với nhau, phải lắng nghe hai bên. Khi lắng nghe, đối thoại, thấu hiểu thì mới có cách thức hóa giải, có biện pháp triệt để. Không phải cứ cấm trẻ đi học 3 ngày hay 1 tuần là xong. Tôi phản đối việc này.

Trẻ nghỉ học không những không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ mà còn làm cho trẻ chất chứa thêm ấm ức, tổn thương và có thể dẫn đến mức độ nghiêm trọng cao hơn như xảy ra vụ bạo lực mới”, TS Phạm Thị Thúy phân tích.

 

TS Phạm Thị Thúy cũng nhấn mạnh, bạo lực học đường ngày càng trẻ hóa độ tuổi, hung hăng hơn, nhiều trẻ em gái hơn, hậu quả nặng nề hơn có rất nhiều nguyên nhân từ phía người lớn, gia đình, nhà trường, xã hội.

Ngoài nguyên nhân độ tuổi dậy thì ngày càng sớm, bà Thúy chỉ ra 2 nguyên nhân quan trọng khác.

Một là các video mang tính bạo lực trên mạng xã hội ngày càng nhiều, trong khi trẻ được bố mẹ cho tiếp cận mạng xã hội sớm.

Hai là bạo lực trong gia đình giữa cha mẹ với nhau và cha mẹ với con cái chưa giảm. Cha mẹ bận rộn hơn, nhiều áp lực cuộc sống hơn dẫn tới trút cảm xúc tiêu cực và hành vi tiêu cực lên con cái nhiều hơn.

 

Đứa trẻ bị dồn nén cảm xúc trong gia đình sẽ tìm cách phản ứng, trút giận với những người xung quanh, đặc biệt là bạn bè cùng trang lứa. Do đó, một mâu thuẫn nhỏ cũng có thể gây ra vụ việc bạo lực học đường lớn.

Để giải quyết căn cơ vấn đề bạo lực học đường, TS Phạm Thị Thúy khẳng định người lớn cần phải thay đổi trước.

“Chúng ta, những người lớn, phụ huynh, giáo viên hợp tác với nhau như thế nào để cùng chung tay xây dựng trường học hạnh phúc, một môi trường học tập có yêu thương, tôn trọng, an toàn.

Trong đó, mọi cảm xúc của trẻ được lắng nghe, trẻ được khuyến khích hành vi tích cực, được giáo dục ý thức xã hội, sự tôn trọng lẫn nhau, biết cách hóa giải xung đột mâu thuẫn trong cuộc sống”, TS Phạm Thị Thúy nêu quan điểm.

Theo Dantri

TIN CẬP NHẬT

0886055166
0886055166